Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

Người phụ nữ ẩn mình vào khoa học đã ra đi

(TuanVietNam) - Trong vòng nửa thế kỷ qua, nếu để trở thành nổi tiếng, không ai hội đủ những điều kiện như chị: thông minh, xinh đẹp, là con gái của Đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp và nhà cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái.

Chị cũng là một người trong nhóm “hạt giống đỏ”, theo chủ trương của Bác Hồ, được gửi đi Liên Xô học từ năm 1954, giáo sư – tiến sỹ vật lý lý thuyết, là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được giải thưởng khoa học quốc tế Kovalevskaia…

Vậy mà chị Võ Hồng Anh đã không nổi tiếng, cho đến trước ngày chị vĩnh viễn đi xa...

Những kỷ niệm từ bài báo dở dang

GS.TSKH Võ Hồng Anh

Nghe tiếng chị từ lâu, lại có cái duyên học cùng trường (tuy chị học trước), nhưng mãi sau này mới có dịp gặp gỡ, trò chuyện. Hóa ra không chỉ là một nhà vật lý mà chị còn quan tâm tới rất nhiều bộ môn khoa học khác, trong đó có cả văn học nghệ thuật. Có lẽ những điều đó chiếm hết thời gian của chị?

Chị đón chúng tôi vào ngôi biệt thự lớn để trò chuyện. Đồ đạc trong phòng cũ và cách bài trí cũng tuềnh toàng, nhưng có lẽ chị không bận tâm về những thứ đó.

Theo kế hoạch ban đầu, cuộc gặp chỉ trong vòng 2 tiếng, nhưng chúng tôi chỉ ra về sau hơn 5 tiếng đồng hồ. Nói về nước Nga và vật lý lý thuyết, quả tình là không nói ngắn được.

Sau khi trò chuyện cả buổi với chị, tôi về viết bài “Người phụ nữ ẩn mình vào khoa học”. Bài báo dở dang…

Tôi chưa hoàn thành bài báo không phải vì trước khi rời nhà chị, chị bảo: “Cậu cho mình mượn cái ghi âm, nghe lại những gì mình nói trong mấy tiếng đồng hồ vừa qua”, mà bởi vì tôi muốn hiểu thêm những gì chị làm, đặc biệt là những điều chị cảm nhận. Tôi tin là mình có điều kiện để làm được điều này, vì sau khi đưa danh thiếp cho tôi, chị nói: “Khi nào rỗi rãi, cậu cứ đến chơi, đừng quên là chúng ta học cùng trường đấy nhé!”


Sau đó ít lâu, tôi cử phóng viên đến đặt chị viết bài về những kỷ niệm với Bác Hồ. Tôi biết, chị là một trong những người được Bác Hồ yêu mến đặc biệt. Khi chị còn là học sinh trường Internat, mỗi lần sang thăm Liên Xô, Bác Hồ đều ghé thăm trường, chị được tập thể tín nhiệm viết và đọc lời chúc mừng Bác, kể cho Bác nghe về tình hình, học tập, sinh hoạt. Sau này lớn lên, là con gái của vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam , chị có điều kiện gặp Bác nhiều.

Chị viết rất cẩn thận, nâng niu từng chi tiết, yêu cầu phải in đúng như vậy. Vì phóng viên đó không cẩn thận, có chỗ bị sai, chị gọi điện tỏ ý không hài lòng. Chúng tôi xin lỗi chị, hứa là kiểm điểm phóng viên, rút kinh nghiệm.

Hôm sau chị gọi điện, tha thiết đề nghị là không được kỷ luật phóng viên đó. Chị bắt tôi hứa là không được làm cho phóng viên đó buồn và chịu thiệt thòi. Chỉ sau khi tôi hứa như vậy, chị mới nhắc lại: “Khi nào có thời gian, đến nói chuyện dài dài nhé!”

Chỉ cần qua vài sự việc như thế, tôi hiểu chị là một con người giàu tình thương và đặc biệt chu đáo.

Tuổi thơ dữ dội và vinh quang

Bà Võ Hồng Anh và cha - Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Trọng Thanh)

Chị là kết quả của mối tình lãng mạng giữa hai trí thức trẻ có hoài bão lớn. Năm 1929, anh thanh niên cách mạng Võ Nguyên Giáp trong vai một nhà báo đi trên một chuyến xe lửa Hà Nội – Huế để thực hiện một nhiệm vụ cách mạng. Khi tàu dừng ở ga Vinh, có hai thiếu nữ xuất hiện và lên tàu.

Ngay lúc ấy, Võ Nguyên Giáp đã để ý đến cô gái có mái tóc dày đen nhánh xoã ngang lưng, nước da trắng hồng, gương mặt trái xoan hiền dịu, đôi mắt đen láy ánh lên sự thẳng thắn, cương trực và rất đỗi dịu dàng. Khi được biết đó chính là em gái chị Nguyễn Thị Minh Khai, anh Võ Nguyên Giáp càng để ý hơn.

Hôm ấy, cô Quang Thái lên đường vào Huế nhập học ở trường Đồng Khánh. Câu chuyện giữa Võ Nguyên Giáp và người bạn đi cùng sôi nổi, cô Quang Thái ngồi im lặng, mãi sau mới tham gia chuyện trò.

Tuy vậy, ấn tượng của anh thanh niên Võ Nguyên Giáp lúc đó về một cô nữ sinh Đồng Khánh - Huế xinh đẹp và ít nói là rất mạnh. Lần đầu tiên trong đời, anh thấy lòng mình rộn lên với những tình cảm xao xuyến. Họ chia tay lưu luyến.

Anh Võ Nguyên Giáp, sau khi vào Huế làm việc tại Quan hải tùng thư, rồi làm biên tập cho báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Không quên được hình ảnh người nữ sinh Đồng Khánh, gặp trên chuyến tàu, anh thỉnh thoảng đạp xe qua trường với hy vọng có thể nhìn thấy người ấy.

Thế rồi, một hôm nữ sinh Quang Thái đến có nhiệm vụ tìm gặp một người để nhận công tác đoàn thể. Hóa ra đó lại là anh Võ Nguyên Giáp.Cuộc gặp gỡ đột ngột khiến anh sững sờ, trái tim run lên xao xuyến.

Quang Thái lúc đó còn nhỏ tuổi, chỉ coi anh Võ Nguyên Giáp như một đồng chí chỉ huy. Nhưng trong thời gian bị tù sau phong trào cạch mạng 30 – 31, họ đã trở nên thân thiết. Dù hoạt động cách mạng nguy hiểm, dù bị tù đày, nhưng tình yêu mãnh liệt vẫn đến với hai trái tim dũng cảm, hai tâm hồn trong trắng, thơ mộng.

Anh Võ Nguyên Giáp cưới Quang Thái, năm đó chú rể 24 tuổi, còn cô dâu 20 tuổi. Sau khi cưới nhau, họ ra Hà Nội, anh dạy học, còn chị thi đỗ và vào học trường Y. Võ Hồng Anh ra đời ở Hà Nội, nhưng không được sống với ba mẹ nhiều, vì ba mẹ bận việc cách mạng. Hồng Anh về ở với ông bà nội ở Quảng Bình.

Năm 1942, Quang Thái bị bắt và bị giam ở Hỏa Lò. Bị giam giữ và bị tra tấn nhiều, sức khỏe của bà yếu đi nhiều. Bà mong ước cháy bỏng được gặp Hồng Anh. Bà nội chiều con dâu, đưa Hồng Anh lên tàu ra gặp mẹ, nhưng chuyến tàu đó máy bay của quân đồng minh ném bom, bà cháu không ra Hà Nội được. Thế là bà Quang Thái hy sinh mà không được gặp chồng con.

Trong kháng chiến chống Pháp, trước khi lên Việt Bắc với ba, Hồng Anh được gặp ba mấy lần, nhưng dù ba đã bế Hồng Anh ra chỗ vắng, hỏi “Hồng Anh có thương ba không?”, đều chỉ là sự im lặng.

Hồng Anh không nói gì vì giận hờn, mà đấy là sự thể hiện tình cảm một cá tính, một sự cảm nhận tinh tế, sâu sắc hơn lời. Sau đấy, sự im lặng này gần như trở thành quy ước của yêu thương không lời giữa hai ba con.

Khi đã ở Việt Bắc, một lần Bác Hồ đến thăm gia đình, Hồng Anh nhận ra ngay, nhưng không dám tới gần. Mãi tới khi ba bảo: “Hồng Anh ra đây chào Bác Hồ đi con!” Lúc đấy chị mới lò dò đến gần Bác và nói: “Cháu chào Bác Hồ ạ!”.

Bác Hồ kéo Hồng Anh vào lòng hỏi: “Ra Việt Bắc cháu có vui không?”. “Dạ, có ạ”. Ba Hồng Anh nói thêm: “Nó ra đây thấy cái gì cũng mới lạ. Vừa rồi được đi ôtô lần đầu, cháu reo lên vui thích, nhưng chỉ một lúc sau là ỉu xìu vì chóng mặt” .

Bác Hồ cúi xuống hỏi: “Thế lúc ấy cháu có khóc không?” .“Dạ, cháu chưa khóc ạ!”. Bác Hồ liền sửa ngay: “Cháu phải nói là “không khóc” chứ không phải là chưa khóc”. Đây là kỷ niệm đầu tiên của chị Võ Hồng Anh về Bác Hồ, và chị nói là “kỷ niệm không bao giờ quên”.

Sau này, sang Trung Quốc, rồi sang Liên Xô học tập, chị bao giờ cũng vững vàng, tự tin, giàu bản lĩnh và học rất giỏi. Huy chương vàng tốt nghiệp phổ thông, bằng đỏ (xuất sắc) tốt nghiệp đại học, học vị tiến sỹ khoa học của chị nói lên điều đó.

Nhà khoa học tài năng và trách nhiệm

Tôi không dám hỏi chị: “Là phụ nữ, tại sao lại chọn lĩnh vực vật lý lý thuyết vốn khô khan, trừu tượng, mênh mông và khó được mọi người thừa nhận”, vì biết chị đạt được nhiều điều trong lĩnh vực này. Chị đã công bố trên 60 công trình khoa học, chủ yếu ở nước ngoài. Ở Việt Nam , vật lý lý thuyết, hình như chưa được quan tâm và đánh giá đúng mức. Chị có vẻ chấp nhận điều này.

Nhưng khi tôi nói, có một người Việt Nam nữa, cũng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Lomonosov, cũng là người đi về vật lý lý thuyết, hiện đang say sưa nghiên cứu hạt cơ bản, chị hỏi ngay “Ai đấy?”. Tôi trả lời “Đàm Thanh Sơn, hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Washington, Hoa Kỳ”. Chị nói: “Vậy là cậu ta may mắn, có môi trường và điều kiện tốt để nghiên cứu. Khi nào có điều kiện, cậu làm quen mình với Sơn nhé!”.

Tôi biết là từ 1987 – 2003, chị làm việc tại Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia nên rất muốn biết ý kiến của chị về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

Là một người có trách nhiệm và trân trọng đồng nghiệp nên chị nói: “Nhà máy điện hạt nhân thì chắc chắn chúng ta phải xây dựng rồi, nhưng ở đâu, lúc nào, chọn công nghệ, nguyên lý gì… là vấn đề tế nhị, nhạy cảm và rất phức tạp. Trên thực tế, đã hình thành một số quan điểm khác nhau. Nói về vấn đề này phải đúng nơi, đúng chỗ, đại diện cho quan điểm nào”.

Chị nói vậy cho kín nhẽ, nhưng tôi biết sự lựa chọn của chị rồi. Ưu tiên số một của chị trong việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử là an toàn. Chị đặc biệt nhấn mạnh phải đào tạo cán bộ có tác phong khoa học chính xác và nghiêm túc từ bây giờ. Làm điện hạt nhân không có chỗ cho tư tưởng “thà thẻo, rút ruột công trình, hay thái độ tắc trách. Với văn hóa, tác phong và phẩm chất như hiện nay, chúng ta chưa thể làm điện hạt nhân được”.

Những mong ước của chị


Thật ra, thời gian, địa điểm làm việc đối với chị chỉ có ý nghĩa tương đối. Điều cơ bản xuyên suốt hoạt động của chị là những vấn đề khoa học vật lý lý thuyết và thái độ sống (mà chị chọn cũng trên cơ sở rất khoa học).

Dù là Giáo sư – Tiến sỹ khoa học, dù đã có trên 60 công trình khoa học được công bố, được nhiều giải thưởng, nhưng chị không phải là người thành đạt. Chính chị nói: “Có lẽ tôi không thấy mình thích hợp với hai chữ “thành đạt” ”.

GS-TS Võ Hồng Anh,

- Sinh 1941.
- 1954 - 1959: Học tại Internat, Moskva
- 1959 – 1965: Sinh viên Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov
- 1965 -1970: Làm việc tại Ủy ban khoa học Nhà nước Việt Nam
- 1966 -1968: Làm luận án Phó tiến sỹ tại ĐHTH Lomonosov.
- 1982: Bảo vệ luận án Tiến sỹ
- 1970 - 1986: Làm việc tại Viện Vật lý, Viện Khoa học Việt Nam
- 1987 – 2003: Làm việc tại Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia.
- Từ 2004, làm việc tại Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật

Có lần, giữa đông đảo bạn bè của nhóm “hạt giống đỏ”, chị nói: “Sao bọn Internat chúng mình đã học, đã sống, đã lớn lên như vậy, mà ra xã hội, chả đứa nào, đặc biệt là bọn nam… “làm nên trò trống gì” nhỉ?!”

Trò chuyện với chị, tôi biết là chị không hài lòng về mình, chưa hài lòng về những gì chị đã làm được. Vì vậy, sau khi rời Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, chị về “đầu quân” cho Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam, cùng với những nhà khoa học nổi tiếng như Vũ Tuyên Hoàng, Vũ Đình Cự… mong làm được một điều gì đó có ý nghĩa.
Trên cơ sở các bộ môn khoa học như toán, lý, hóa, sinh, triết học, các nhà khoa học muốn xây dựng một bộ môn khoa học mới. Rất không may, Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng đã ra đi, bây giờ lại đến lượt chị, để lại những mong ước lại dở dang.

Còn nữa, chị nói với tôi là sẽ viết một cái gì đấy về gia đình mình, về ông nội, bà nội - những người đã truyền cho chị những tri thức đầu tiên về văn học dân gian, những bài học đầu tiên về chia ly, đợi chờ, về việc người thân quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Tôi cũng mong được đọc quyển sách như vậy của chị, nhưng có lẽ, không kịp nữa rồi.

Chị còn những mong ước dang dở, kể cả mong ước về khoa học lẫn tình cảm. Chị ước mong ba mình – Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống khỏe mạnh đến trăm tuổi. Để thực hiện mong ước này, chị sống tại 30 Hoàng Diệu để chăm sóc ba.

Có những mong ước của chị sẽ thành sự thật, có những mong ước mãi mãi dở dang, có những mong ước chúng ta phải nỗ lực hết mình trong tương lai mới mong chúng có thể thành hiện thực.

Nghe tin chị mất, tôi về tìm lại bài báo “Người phụ nữ ẩn mình vào khoa học” đang viết dở, hoàn thành nốt và thêm vào tít bài ba chữ “đã ra đi”. Tôi lại thầm mong trong giới khoa học, chính khách, doanh nghiệp… Việt Nam luôn có nhiều con người có trí tuệ và nhân cách như chị.


Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - Một trí thức lớn

Một trí thức lớn nữa của Nam bộ kháng chiến đã ra đi. Một trí thức lớn, một bậc thầy của ngành y, một tên tuổi bên cạnh Nguyễn Văn Hưởng, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Tấn Gi Trọng…, những đại thụ mà cành nhánh của nó còn che mát cho cả những thế hệ tương lai. Và một con người như thế ra đi…

Là một người con của một gia đình nông dân Ba Tri – Bến Tre, nhờ cha dạy chữ ở nhà, ông học trường huyện, trường tỉnh và học rất giỏi.

Năm 1926 vì tham gia để tang cụ Phan Châu Trinh mà ông bị đuổi học. Nhưng ông lên Sài Gòn học Trường tư Huỳnh Khương Ninh và học nhảy lớp.

Huỳnh Khương Ninh là một trí thức yêu nước, Ủy viên Hội đồng thành phố Sài Gòn, thấy ông học giỏi, đã vận động cho ông học bổng để vào học ở trường Chasseloup Laubat, một trường trung học nổi tiếng lúc bấy giờ.

Ông đỗ tú tài và vào học Đại học Y khoa Hà Nội. 1937 tốt nghiệp và sang Paris tu nghiệp; 1939 về nước mở phòng khám bệnh tư tại Sài Gòn.

Ngày trước, ở nhiều làng mạc Việt Nam, học sơ học yếu học, trung học đã được xem là trí thức. Học đến tú tài đã là đại trí thức. Mấy ai đã tốt nghiệp bác sĩ và lại được sang tận Paris tu nghiệp!

Một con người danh vọng và phú quý như thế, khi tiếng súng kháng chiến Nam bộ nổ ra, đã từ bỏ tất cả, để lại đằng sau mình cả vợ và con thơ…, lên đường làm bác sĩ cứu chữa các chiến sĩ Vệ quốc đoàn! Một bài thơ ông viết về vợ con ngày ấy, được một bác sĩ cháu ông sưu tầm, đã nói với ta nhiều về tâm trạng của con người ấy trước cảnh chia ly, trước bi kịch gia đình.

Nhưng ông đã đi suốt 3 năm không mỏi. Tháng 3-1946, ông đã tham gia phái đoàn Nam bộ của bà Nguyễn Thị Định ra Hà Nội, đi bằng thuyền và cả bằng đường bộ ra Trung ương gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo, xin chi viện cho Nam bộ.

Ông đã có mặt ở Hà Nội khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ông làm Thanh tra Quân y một thời gian và lại trở về Nam.

Với kiến thức và đức độ bậc thầy, ông đã phụ trách Phó Giám đốc Sở Y tế Quân dân Nam bộ, mở trường đào tạo cán bộ và nhân viên y tế đang thiếu biết bao cho các chiến trường.

Ông cũng trực tiếp tham gia điều trị cho thương binh, bệnh binh trong các quân y viện… Ra Bắc 1954, ông làm Hiệu trưởng Trường Cán bộ y tế Trung ương, một trung tâm đào tạo lớn nhất miền Bắc bấy giờ.

Sau khi đi học hỏi thêm ở nhiều nước, 1965 ông lại trở về Nam. Lại làm Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ y tế trung – cao cấp của Miền…, tham gia điều trị trong bệnh viện.

Trong cuộc chiến cực kỳ ác liệt lúc đó, ông cuốc đất trồng rau, chăn nuôi heo gà, giăng câu, bẫy thú… để nuôi con… “Suốt mùa kháng chiến chống Pháp, ngoài giờ lên lớp, chúng ta không thể không xúc động khi thấy ông ở trần, mặc quần tiều, nhổ bông súng, vớt bèo nuôi heo, góp sức tự lực cánh sinh, cải thiện miếng ăn cho thầy và trò.

Từ lúc kháng chiến chống Pháp rồi xây dựng hòa bình trên đất Bắc, ông luôn đảm trách công việc đào tạo đội ngũ cán bộ cho ngành y tế. Học trò của ông, khi nhớ lời thề Hippocrate và đạo đức, quan điểm phục vụ của Hải Thượng Lãn Ông, đều không thể quên người thầy – chú Chín – bác sĩ Trần Hữu Nghiệp” (nhà thơ Lê Giang).

Nền y tế kháng chiến, nền y tế R, nền y tế Việt Nam tự hào vì có một con người như vậy.

Một nhân cách lớn, một trí thức lớn được tôi rèn trong cuộc chiến tranh nhân dân, đã đi cùng nhân dân mình suốt 30 năm gian khổ và chiến thắng. Cuộc đời ấy đã tỏa sáng, đã xứng đáng với Tổ quốc và nhân dân.

Nhưng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn là môt nhà văn, một nhà báo đặc sắc. Với cái vốn học vấn uyên bác cổ kim Đông Tây được tích lũy từ nhỏ, ông là một ngòi bút cứng cáp, súc tích và dí dỏm.

Những ai đã đọc “Thời gian trong mắt tôi”, tập hồi ký của ông, đều thích thú vì đã gặp ở đây một con người chân thật, một con người văn hóa, một bác sĩ muốn kiêm luôn nghề viết như một cái nghiệp.

Những câu chuyện hồi còn nhỏ ở làng quê, những chi tiết đắt giá và cả một cuộc đời đã lọc qua cái vốn văn hóa đồ sộ của ông để biến thành văn.

Ông viết báo rất nhiều; từ hồi còn học sinh tôi đã kính trọng tên tuổi ông qua các bài ông viết trên báo Thống Nhất - Hà Nội.

Rồi cả một tủ sách về y – ông luôn luôn quan tâm đến việc viết sách phổ thông để truyền bá y học: “Phép nuôi con” (Sài Gòn, 1943), “Chữa bệnh cho con khi xa thầy thuốc” (Hà Nội, 1962), “Chủ động bảo vệ hạnh phúc gia đình” (TP Hồ Chí Minh, 1978), “Nói chuyện với người uống rượu” (TPHCM, 1981), “Nói chuyện với người hút thuốc” (TPHCM, 1983).

Đặc biệt, ông quan tâm viết về những người phụ nữ nghề y dược trong kháng chiến: “Binh chủng đặc biệt của đội quân tóc dài” (1990), “Lịch sử phụ nữ ngành y tế miền Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ” (1991)… Chừng ấy tác phẩm và nhiều bài báo, nếu tập hợp lại sẽ thành một toàn tập bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đầy đặn. Đó là tấm lòng ông, kiến thức và tâm huyết một đời của ông.

Nhưng bên cạnh những dòng chữ để lại là những Con người. Những bác sĩ, thầy thuốc nhân dân, anh hùng lao động, những học trò ông trở lại chiến trường bám dân bám đất, xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng mạng lưới y tế trong những năm tháng chiến tranh – chiến trường… đó mới là “tác phẩm” đích thực của Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Nghiệp.

* * *

Tôi không bao giờ quên cái dáng cao lớn, cái phong cách vô cùng giản dị gốc miệt vườn Bến Tre của ông qua những lần tiếp xúc.

Vào những năm khủng hoảng của cách mạng đó, tuổi ông đã cao, nhưng tấm lòng ông luôn cháy rực ngọn lửa đã cháy lên và cháy mãi của kháng chiến… Cùng với Nguyễn Đình Thi, Diệp Minh Châu, Bảo Định Giang…, dáng cao lớn của ông khi đứng lên phát biểu trong một cuộc gặp mặt với Thủ tướng Phạm Văn Đồng để nói lên những lời tận đáy lòng, sẽ còn mãi trong tôi như một tượng đài về ông – bất diệt.

* Bài viết có sử dụng tài liệu – sưu tầm của BS Trần Văn Lễ, cháu BS Trần Hữu Nghiệp.

Đã đăng trên SGGP

Tuệ Tĩnh


Tuệ Tĩnh chính tên là Nguyễn Bá Tĩnh, đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh (cũng gọi là Huệ Tĩnh.). Ông xuất thân từ một gia đình bần nông, cha là Nguyên Công Vỹ, me là Hoàng Thị Ngọc (1) ở Nghĩa Lư, huyện Dạ Cẩm, Hồng Châu (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cầm Vũ, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Hưng.

Theo truyền thuyết ở địa phương, ông sinh trưởng dưới triều Trần Dụ Tông ( thế kỷ XIV), lúc lên 6 tuổi, cha mẹ đều mất. Ông được nhà sư chùa Hải Triều ở Yên Trang gần đấy đưa về nuôi cho ăn học (chùa Hải Triều sau gọi là chùa Nghiêm Quang tức chùa Giám ở xã Cẩm Sơn, vì bị đất lở, đã dời đến xã Tân Sơn cùng huyện Cẩm Bình). Đến 10 tuổi, Bá Tĩnh lại được sư cụ chùa Giao Thủy ở Sơn Nam (Nam Đình) đưa về cho ở học với nhà sư chùa Dũng Nhuệ trong huyện. Tại đây, ông được gọi là Tiểu Huệ nên có biệt danh là Huệ Tĩnh. Ông được học văn và học thuốc để giúp việc chữa bệnh ở chùa.

Đến 22 tuổi, ông đi thi hương trúng bảng, nhưng vẫn ở chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Ông tiếp tục việc chữa bệnh giúp dân ở chùa này và phát triển thêm một số cơ sở chữa bệnh ở các chùa lân cận, như chùa Hộ Xá (Nghĩa Xá). Năm 30 tuổi, ông trở về trụ trì chùa Yên Trang. Ông đã tu bổ lại chùa này với một số chùa khác (24 ngôi) ở hạt Sơn Nam và quê hương, huấn luyện y học cho các tăng ni để mở rộng việc chữa bệnh làm phúc.

Năm 45 tuổi, ông thi Ðình, đậu Hoàng giáp. Năm 55 tuổi ông bị bắt đi sứ sang Trung Quốc. Ông được nhà Minh giữ lại làm việc ở Viện Thái y, rồi mất ở bèn ấy, không rõ năm nào.(2)

Sự nghiệp:
Tuệ Tĩnh đã xây dựng nền móng của y học nước nhà với truyền thống chữa bệnh bằng thuốc nam, theo phương châm "Thuốc nam Việt chữa người Nam Việt ". Ông đã gây phong trào trồng thuốc ở gia đình, vườn đền chùa và thu trữ thuốc theo thời vụ để có sẵn thuốc chữa bệnh kịp thời. Truyền thống của Tuệ Tĩnh đã được đời sau thừa kế và phát huy rạng rỡ trong việc bảo vệ sức khoẻ nhân dân và phát triến y học dân tộc:

- Hoàng Đôn Hòa, Lương dược hầu dưới triều Lê Thế Tông, quê ở Đa Sĩ (xã Kiến Hưng, tỉnh Hà Tây) đã chữa bệnh rộng rãi và cứu cho nhân dân qua khỏi vụ dịch năm 1533 với thuốc nam trồng kiếm tại địa phương, và chữa cho quân đội triều Lê khỏi dịch sốt rét và thồ tả ở Thái Nguyên năm 1574 với thuốc Tam hoàng hoàn gồm Hoàng nàn, Hoàng lực do Tuệ Tĩnh đã phát hiện ở Nam dược thần hiệu và Hùng hoàng đã được dùng chống khí độc lam chướng ở Thập tam phương gia giảm. Đường lối dưỡng sinh của Tuệ Tĩnh nói ở Bổ âm đơn về phòng bệnh hư lao, đã được Hoàng Đôn Hòa cụ thể bằng thuyết "Thanh tâm tiết dục" với phép "Tịnh công hô hấp" ở sách Hoạt nhân toát yếu.

- Hải Thượng Lãn Ông (thế kỷ XVIII) đã thừa kế 496 bài thơ dược tính của Nam dược thần hiệu chép vào sách Lĩnh nam bản thảo, với nhiều phương thuốc nam của Tuệ Tinh chép vào các tập Hành giản trân nhu Bách gia trân tàng. Đường hướng dưỡng sinh của Tuệ Tỉnh về giữ gìn tinh khí thần để sống lâu cũng được Lãn Ông phụ họa thêm ở thiên Khởi cư của tập "Vệ sinh yếu quyệt ".

- Đặc biệt truyền thống thuốc nam của Tuệ Tĩnh đã để lại tập quán trong nhân dân: trồng một số cây ở vườn đền chùa vừa làm cảnh vừa làm thuốc, và ở gia đình, mọi người ít nhiều đều biết dùng một số cây gia vị, rau quả hay các vị thuốc thường có quanh mình, cùng các phép xông hơ, chườm nóng, xoa bóp... để chữa một số bệnh ban đầu, khi mới xảy ra, rất tiện lợi.

Truyền thống y học của Tuệ Tĩnh đã phục vụ đắc lực sức khỏe nhân dân từ bao đời nay, sự nghiệp trước tác của ông đã giữ một vị tri trọng đại nhất trong lịch sử y học Việt Nam. Vì vậy, nhân dân ta đã lập đền thờ ông: Đền Thánh thuốc nam ở quê hương thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, đền Bia ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, miếu Nghè ở chùa Giám, xã Tân Sơn, huyện Cẩm Bình, tinh Hải Hưng. Ngoài ra, ông còn được thờ là Thành hoàng ở xã Yên Lư, huyện Thủy Nguyên, ngoại thành Hải Phòng (có sắc phong là Thượng thượng dẳng phúc thần năm 1572, theo thần phả do Nguyễn .Bính, Đông các đại học sĩ ở Viện Cơ mật triều Lê soạn).

Ngày nay, các di tích nói trên đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử để tưởng nhớ công đức của vị Đại danh y Tuệ Tĩnh đối với sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của dân tộc ta.

Trước tác:

Về Phật học, ông đã giải nghĩa bằng chữ nôm (3) sách Thiền tông Khóa Hư Lục của vua Trần Thái Tông soạn.

Về Y học ông đã soạn các sách Dược tính chỉ nam và Thập tam phương gia giảm (4) (theo Hải Dương phong vật chí), nhưng phần nguyên tác của Tuệ Tĩnh không còn tròn vẹn do binh hỏa, cụ thể các thư tịch của ta đã bị quân nhà Minh phá hủy hòi đầu thế kỷ XV khi chúng sang xâm chiếm nước ta. Những tác phẩm còn lại đến nay đều do người đời sau biên tập lại với tài liệu thu thập trong nhân dân. Hiện có:

1 Bộ Nam dược thần hiệu, do Hòa thượng Bản Lai ở chùa Hồng Phúc ở Trung Đô (phố Hòe Nhai, dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay) biên tập, bổ sung và in lại năm 1 761, gồm Bản thảo dược tính 499 vị, (bằng thơ) và 10 khoa chữa bệnh, với 3932 phương thuốc nam ứng trị 184 loại bệnh, kèm theo môn thuốc chữa gia súc.

2. Nam dược chính bản, do triều Lê Dụ Tông đổi tên là Hồng nghĩa giác tư y thư và in lại nǎm 1717, quyển thượng gồm: Nam dược quốc ngữ phú (danh từ được học 590 vị thuốc nam). Trực giải chỉ nam dược tính phú (220 vị thuốc nam và một thiên Y luận về lý luận cơ bản, âm dương ngũ hành, tạng phủ, kinh mạch (thiên này xuất hiện ở bản in lại năm 1 723: AB. 288)

3- Thập tam phương gia giảm, phụ Bổ âm đơn Dược tính phú (242 vị.) bằng chữ Hán, gồm 13 cổ phương đông y và phương Bổ âm đơn do tác giả sáng chế cùng phương pháp.

o0o

1. Theo thần phả đến Yên Lư, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

2. Quốc sử di biên của Sứ quán triều Nguyễn nói Tụê Tĩnh mất ở Giang Nam Trung Quốc.

3. Theo Đào Duy Anh nói ở lời đầu sách dịch Thiền tông khóa hư lục, thì văn vần chữ nôm xưa nhất là mấy bài phú đời Trần. Về văn xuôi thì sách giải nghĩa Thiền tông khóa hư lục của Tuệ Tĩnh cuối thời Trần là xưa nhất.
Gia giảm dùng chữa các loại bệnh ngoại cảm, ôn dịch và nội thương tạp bệnh (Thư viện Hán Nôm VHc 3626).
4. Thập tam phương gia giảm Bổ âm đơn đã được đời sau diễn dịch ra ca nôm và in ở Hồng Nghĩa giác tư y thư quyền hạ năm 1723 (AB 306).
5. Một bài Nhân thân phú (tương truyền, của Tuệ Tinh), khái quát về lý luận cơ bản người tương ứng với thiên nhiên, cơ năng sinh lý, tạng phủ khí huyết và đường hướng dưỡng sinh chú trọng giữ gìn tinh khí thần để nâng cao tuổi thọ

GS Tạ Quang Bửu, tấm gương và những lời căn dặn

Trong những ngày này, khi nói đến những giải pháp giải quyết những bất cập, lạc hậu, bệnh hình thức, giả dối kéo dài trong nền giáo dục nước nhà, nhiều trí thức thường nhắc đến tấm gương và những di huấn của GS Tạ Quang Bửu (1910-1986), Bộ trưởng bộ Quốc phòng thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp và Bộ trưởng bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đầu tiên, nhà bác học lớn của đất nước, một “Lê Quý Đôn thời đại Hồ Chí Minh". Đó là một nhà trí thức từ hơn 40 năm trước đã kiên tâm phấn đấu cho một nền giáo dục “thực dạy, thực học", "học đi đôi với hành" và đã sớm chỉ ra rằng đất nước không thể tiến lên được nếu không thanh toán được một nền sản xuất không có kỹ thuật và một nền kỹ thuật thiếu cơ sở khoa học, tức là nếu không sớm vươn lên một nền kinh tế tri thức như cách gọi hôm nay.

Giáo sư Bửu có sự uyên bác rất kỳ lạ. Tôi chỉ nói một khía cạnh nhỏ, đó là lĩnh vực Sinh học- một lĩnh vực khác hẳn với chuyên ngành Toán học, chuyên ngành mà ông đã lấy bằng Tú tài Toán từ năm 1929, và sau đó là những năm được đào tạo chính quy ở các Đại học Paris, Bordeaux (Pháp) và Oxford (Anh)...
Trong kháng chiến chống Pháp, khi bố tôi làm Giám đốc Giáo dục Liên khu X, có lần Cụ đã mang về nhà cuốn sách “Sống” và cuốn “Vui sống” do GS Tạ Quang Bửu viết, được in trên giấy dó. Tôi còn nhỏ quá nên đọc không hiểu. Sau này học đại học chuyên ngành Sinh học tôi mới có điều kiện đọc lại.
Phải nói là kỳ lạ vì GS Bửu viết ra những điều rất uyên bác ấy vào năm 1948, nghĩa là 5 năm trước khi J.D. Watson và F.H.C. Crick khám phá ra cấu trúc ADN, mở màn cho thời đại Sinh học phân tử. Thời ấy mà GS Bửu đã viết được: Ngoài chromosome (nay gọi là nhiễm sắc thể- NLD) thì tế bào chỉ chứa những hóa chất không có gì đặc sắc... Nhưng số đặc tính trong một con người lớn hơn số chromosome nhiều, nên các đặc tính ấy chỉ có thể chiếm những phần tử rất bé của chromosome: mỗi đặc tính sẽ chiếm một căn cứ gọi là gen...Một chromosome là một chuỗi gồm 2000 gen và như thế chiều dài của mỗi gen không quá 3/10000mm hay ba trăm Angstrom. Theo đó một gen dài bằng một trăm lần khoảng cách giữa hai nguyên tử trong một khí. Còn bao nhiêu khái niệm hiện đại khác mà GS Bửu ghi bằng tiếng Anh. Bất kỳ nhà Sinh học nào đọc lại cuốn sách mỏng này và nhớ rằng GS Bửu viết ra vào năm 1948 thì chỉ có thể từ ngạc nhiên đến khâm phục.
Ngày nay, khi các nhà Sinh học trên thế giới bắt đầu chuyển sang nghiên cứu Sinh học lượng tử (Quantum Biology) thì ngay trong cuốn sách rất mỏng kia GS Bửu đã khẳng định được rằng: Gen, phân tử khổng lồ, theo thuyết Delbruck, cũng là một hệ thống phải cắt nghĩa bằng những định luật của Lượng tử học. Tiếc rằng tác phẩm này GS Bửu viết bằng tiếng Việt chứ nếu không chắc hẳn phải được coi là một trong những trước tác kinh điển của giới Sinh học quốc tế, vì trong đó đã có những tiên đoán rất khoa học.
Về những uyên bác trong Toán học và Vật lý học của GS Bửu chắc chúng ta đều đã biết rõ. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết GS Bửu là người cùng KS. Phạm Quang Lễ (tức GS Trần Đại Nghĩa sau này) đã lên Thái Nguyên thử đạn bazôca của Mỹ ngay sau khi KS Lễ vừa theo Bác Hồ từ Pháp về Hà Nội. Ông không chỉ uyên bác về kiến thức mà rất tài hoa trong việc viết tài liệu phổ biến khoa học. Cái khó mà tôi cố học ở ông là: viết thế nào để ai đọc cũng thấy những cái mới nhưng ai đọc cũng hiểu được, hay ít nhiều hiểu được nội dung chủ yếu.
Sự uyên bác của GS Bửu gắn liền với tinh thần tự học suốt đời của ông. Ông chỉ có bằng Cử nhân trong tay, cho nên khi có người hỏi bằng cấp nào cao nhất mà ông có thì người ta đồn rằng ông đã trả lời là Bằng bơi lội do Hoàng gia Anh cấp.
Ông miệt mài đọc sách và chọn toàn những quyển cốt lõi nhất để đọc. Thí dụ như về Sinh học ông chọn cuốn Was ist leben? của Erwin Schrödinger qua bản dịch tiếng Đức (vì không có nguyên bản tiếng Anh). Ông thông thạo tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga và cả chữ Hán nữa. Khi đã ở cương vị lãnh đạo cao, GS Bửu vẫn đều đặn đến thư viện khoa học để tự chọn sách mượn về đọc.
Là người lãnh đạo ngành đại học và trung học chuyên nghiệp trong 11 năm trời, GS Bửu đã đặt nền móng cho sự nghiệp đào tạo không chỉ cho hai ngành này mà cả cho ngành giáo dục phổ thông nữa.
Xin nhắc lại một số ý kiến mà GS Bửu đã từng phát biểu: Mục đích phấn đấu của chúng ta là làm cho học sinh tốt nghiệp lớp 10 phải biết làm một số việc như biến đổi đại số, giải một số phương trình đại số, tính được một số đạo hàm, vẽ một số đồ thị; còn về mặt hình học cũng phải biết làm một số động tác cần cho các chứng minh và cho việc dựng hình. Biết làm là chủ yếu còn biết nhiều về toán hoc chỉ là yêu cầu phụ và chúng ta phải làm sao cho học sinh thông qua biết làm mà biết nhiều và biết sâu...Thầy cần tránh nói sai để sau phải cải chính lại, vì cải chính chỉ xóa bỏ cái sai của thầy chứ không xóa được cái sai mà trò đã tiếp thu...Ở bậc phổ thông, bài tập nên theo sát từng đợt các bài giảng để học sinh nắm vững định nghĩa và quy tắc. Rõ ràng không cần nhiều bài tập mà cần một số ít nhưng thật tiêu biểu, nhất định phải làm được... Thần đồng toán học là một quá trình xây dựng chứ không phải là một hiện tượng bẩm sinh... Chúng ta nên kiên quyết tập cho học sinh từ bé cân nhắc trước khi viết, biết quý sự viết ít mà đúng...Hình như chúng ta chưa làm được bao nhiêu so với các lời căn dặn của GS Bửu.
Trong gần một thập kỷ phụ trách việc xây dựng và quản lý nền khoa học và công nghệ nước ta, GS Bửu cũng đã có biết bao chính kiến cơ bản và thỏa đáng. Chúng ta không thể quên những lời chỉ bảo của ông, chẳng hạn như: Kỹ thuật là nhập cảng, là bắt chước, rồi cải tiến, sáng tạo trong cái bắt chước... Tất nhiên chúng ta càng phải sáng tạo.Nhưng sáng tạo ở đâu? Sáng tạo thế nào? Sáng tạo để làm gì? Chưa thật rõ ràng lắm. Phải chăng chúng ta phải sáng tạo để nâng cao hiệu suất và chất lượng? Ý thức về chất lượng, kỷ luật và chất lượng của chúng ta còn thấp. Cứ như vậy mãi, sẽ khó mà có tiến bộ kỹ thuật, đừng nói gì đến cách mạng kỹ thuật… Chúng ta phải thanh toán càng nhanh càng tốt hiện tượng sản xuất không có kỹ thuật. Hơn nữa, chúng ta phải tiến đến thanh toán kỹ thuật không có cơ sở khoa học... Trường chúng ta phải là trường vừa học vừa làm để đào tạo ra những người vừa làm vừa học...
GS Tạ Quang Bửu có một nhân cách hết sức quý giá. Chưa bao giờ ông lo nghĩ cho riêng bản thân mình. Nghe nói ông dùng chiếc TV đen trắng cho mãi đến khi người con rể tặng ông một chiếc TV màu. Ông rất gần gũi với mọi người và biết chọn trong mỗi ngành những người giỏi để trực tiếp giao nhiệm vụ. Ông giao cho những việc rất cụ thể và tận tình hướng dẫn để có thể làm bằng được. Đi công tác địa phương ông kéo những cán bộ này đi theo và chỉ định những nhiệm vụ khoa học cần giải quyết. Càng giỏi càng khiêm tốn và càng biết tin dùng lớp trẻ. Đó là bài học không phải ai cũng có thể học được.


Giáo sư Tạ Quang Bửu đã chia tay với chúng ta 24 năm rồi, nhưng tấm gương và những lời căn dặn của ông luôn còn mãi trong những người được có dịp làm việc với ông, những học trò của ông và tất cả những ai được biết đến về tài năng và nhân cách của ông.


Nhân cách thầy Chiển của chúng tôi

GS.Nguyễn Văn Chiển phát biểu tại hội thảo thành lập trường Đại học FPT, tháng 5/2006.
Ảnh: Bùi Tuấn

Tôi được gặp GS Nguyễn Văn Chiển lần đầu tiên vào năm 1950. Khi đó ông đến thăm bố tôi tại Thái Nguyên giữa những ngày kháng chiến sôi động nhất. Ông chỉ có một chiếc ba lô nhỏ nhưng trong đó có cả một chiếc kính hiển vi.

Khi đó gia đình chúng tôi phải dùng một loại dây leo, theo kinh nghiệm dân gian giập nát ra rồi đánh nước cho trong mới có thể dùng được (hồi đó lấy đâu ra phèn chua!). Tôi rất ngạc nhiên khi thấy Thầy rất chú ý và lập tức quan sát các bộ phận của cây này, lại còn dùng lưỡi dao cạo cắt thành lớp mỏng rồi soi dưới kính hiển vi và vẽ lại cấu tạo hiển vi của tiêu bản này vào sổ tay của Thày. Đấy có lẽ là hình ảnh đầu tiên về nghiên cứu khoa học mà tôi nhận thức được khi mới 12 tuổi. Năm 1951, cả gia đình Thày và gia đình Bố tôi được chuyển sang Khu học xá Nam Ninh để hai ông tham gia đào tạo biết bao các thế hệ nhà giáo và nhà khoa học nước ta. Hòa bình lập lại Thày chuyển về Hà Nội là tôi lại vinh dự là lớp sinh viên Đại học đầu tiên của Thày sau ngày hòa bình lập lại.

Năm nay nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Thày đã có biết bao nhiêu bài báo ca ngợi các thành tích lớn lao của Thày trong giáo dục và trong khoa học.

GS. Nguyễn Văn Chiển cùng học trò, đồng nghiệp.

Nhà báo Thúy Hằng viết: Thầy Chiển là con út trong một gia đình trung nông ở thôn Ngọc Nội, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1919, cậu bé Chiển ra đời, cũng là năm thực dân Pháp bắt đầu công cuộc khai hóa thuộc địa lần thứ hai ở Việt Nam. 6 tuổi Chiển bắt đầu học chữ Nho. 9 tuổi, sang trường làng bên học chữ quốc ngữ. Hết cấp sơ học, cậu phải ra tận Phú Thụy, cách nhà 15km để trọ học, vì cả Nam phần Bắc Ninh lúc đó chỉ có duy nhất một trường tiểu học kiêm bị: tức có đủ 6 lớp học đồng ấu, dự bị, sơ đẳng: lớp nhì I, lớp nhì II, lớp nhất. Học xong Trường Phú Thụy, Chiển phải đi xa hơn nữa, tới Hà Nội, thi vào học Trường Bưởi nổi tiếng. Ở đấy anh đã được học những thầy nổi tiếng như Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Hãn,... Chăm chỉ, lành hiền và cần mẫn, Chiển mang theo cả niềm ước vọng của mẹ cha mong cho con được ăn học nên người. Có những năm quá khó khăn, bố mất, rồi hai năm liền (1935 - 1936) quê nhà bị vỡ đê, người mẹ tảo tần hàng tháng vẫn thường gánh gạo, mỡ và tương ra Hà Nội nuôi cho con ăn học cũng ngậm ngùi nước mắt bảo rằng “Nhà không còn hạt thóc nào cho con đi học nữa”, Chiển tưởng như đã phải nghỉ học. Nhưng sự chăm chỉ và niềm khát khao học tập của Chiển cuối cùng cũng đã được đền đáp. Ngay lúc khó khăn nhất ấy, nhờ học giỏi anh đã được cấp học bổng toàn phần, được xếp vào ở nội trú trong trường và toàn tâm toàn ý vào việc học. Năm 1941, sau 7 năm học ở Trường Bưởi, chàng trai “nhà quê” ấy đã đỗ đầu kỳ thi tú tài toàn xứ Đông Dương. Ông viết: “Tháng 9 năm 1941, tôi ghi tên đăng ký học chứng chỉ Toán đại cương ở Trường đại học Khoa học mới mở. Việc lựa chọn này không có khó khăn gì, sau khi đã lướt qua các trường khác. Y ư? Phải học 7 năm, quá dài trong khi mẹ tôi đã già, cần ra trường sớm để phụng dưỡng mẹ. Học Dược ư? Một nghề có thể cho phép mình sống độc lập không phụ thuộc vào ai, nhưng quy định là ngay năm đầu phải ký quỹ 120 đồng (bằng giá 10 xe đạp Te-rô thời đó) thực tập ở các hiệu bào chế thuốc. Món tiền lớn quá lấy đâu ra? Vào luật để ra làm quan bóp dân, thối nát quá tôi loại bỏ từ lâu. May có Trường Khoa học mới mở ra, phù hợp với sở thích của mình cho nên vào Trường Khoa học là đúng.” Thầy Chiển đã giải thích như vậy, giản dị và không ồn ào về sự lựa chọn thuở ban đầu ấy. Thầy đã đến với Địa chất, và đó gần như là sự “se duyên” của số phận. Trong công việc này, thầy tìm thấy niềm vui, được cống hiến, được khám phá. Và cuộc đời đã được nhận từ thầy thật nhiều điều, “người anh cả của ngành Địa chất Việt Nam”.

Sau khi chúng tôi tốt nghiệp đại học Thầy chọn một người bạn tôi – anh Tống Duy Thanh và nhiệt tình bồi dưỡng để chẳng bao lâu sau anh đã trở thành Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, chuyên gia đầu ngành về Cổ sinh - Địa tầng học.

Thành tựu về giáo dục và về khoa học của Thầy không sao kể xiết, nhất là việc chủ trì các Chương trình Nhà nước về khoa học, việc đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như Hiệu trưởng Trường Sư phạm Trung cấp Trung ương, Tổng thư ký Ban Tu thư (soạn sách giáo dục phổ thông), Phó Giám đốc Nha Giáo dục phổ thông, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam…

Ở bất kỳ công việc nào ông đều có tư duy rất độc lập và thiết tha với sự nghiệp xây dựng nền khoa học nước nhà. Nói về nhân cách của ông chỉ cần đến thăm căn hộ ông đang ở tại khu tập thể Đại học Bách khoa Hà Nội. Một Giáo sư đầu ngành, một Nhà giáo nhân dân mà ở chung với vợ con trong một căn hộ khó có thể tưởng tượng nổi về mức độ chật hẹp và đơn sơ vào loại nhất thủ đô. Chúng tôi đến thăm Thầy chỉ có thể ngồi xuống sàn nhà xung quanh Thầy. Giá Thầy có lời đề nghị thì chắc chẳng ai nỡ để Thầy sống khổ như vậy. Nhưng Thầy chỉ cười và nói với chúng tôi: Còn biết bao thầy giáo trong nước còn khổ hơn mình nhiều. Thầy không bao giờ nói về công việc của mình, kể cả việc thầy được lưu danh bằng những giống loài cổ sinh mới được cả thế giới biết đến như giống Vanchienolepis Tong-Dzuy et Janvier, các loài Squameofavosites Vanchien Tong-Dzuy, Plethorhyncha Chieni Zuong et Rzóns... mà chỉ băn khoăn về tương lai khoa học và giáo dục nước nhà. Dù tuổi rất cao nhưng Thầy luôn phát biểu một cách điềm tĩnh và sâu sắc về những vấn đề rất quan trọng mà Thầy thấy không thể nào chấp nhận được.

Về khoa học Thầy viết: “Khác với chương trình khoa học Tây Nguyên, chương trình xây dựng Tập bản đồ Quốc gia (còn gọi là chương trình 48-03) được ghi vào Nghị quyết 37NQ của Bộ Chính trị hẳn hoi, thế mà sau khi xuất bản vào năm 1996, nó không được sử dụng để bố trí các dự án sản xuất một cách hợp lý nhất. Thậm chí Viện Nghiên cứu Địa chính đề nghị điện tử hóa Tập Bản đồ Quốc gia để bố trí các dự án sản xuất công nông nghiệp và giao thông vận tải hợp lý nhất cũng không được xét duyệt. Tập Bản đồ Quốc gia được giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005 hiện nay chỉ là một vật trang trí nằm trong các thư viện. Các nhà hoạch định chính sách, nhất là quyết định phân bố lực lượng sản xuất một cách hợp lý nhất trên lãnh thổ, cũng chẳng mấy ai quan tâm đến tập Atlat quốc gia! Hiển nhiên nó lại biến thành một vật trang trí tương tự cái lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Hy vọng trong thời gian tới, các dự án phát triển, nhất là các dự án trọng điểm của đất nước, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học không còn bị trở thành vật trang trí.” (18/5/2009).

Về giáo dục Thầy viết: “Tôi nghĩ rằng ông Bộ trưởng giáo dục hiện nay không thiếu tâm, thiếu tầm nhưng do phải kiêm nhiệm một chức vị quan trọng hơn, và hẳn thường xuyên bận vào những sự vụ khác nên không thể toàn tâm toàn ý cho ngành giáo dục, thậm chí chưa chắc có nhiều thời gian để suy nghĩ thấu đáo về bản chiến lược này. Do vậy trong chiến lược mới đề ra những giải pháp thiếu tính khả thi, chẳng hạn như làm sao có được những giáo sư đại học Việt Nam có trình độ cao để thực hiện được việc xây dựng 4 trường đại học Việt Nam đạt chất lượng quốc tế vào năm 2015 (tức 6 năm nữa). Nhất là với kế hoạch đến năm 2020 sẽ đào tạo 2 vạn tiến sĩ, thì tôi thấy chính những người xây dựng bản chiến lược này cũng lại mắc bệnh thành tích, bệnh chạy theo số lượng. Hoa Kỳ hiện nay là nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, năm nào cũng có các nhà khoa học nhận giải thưởng Nobel. Giả thử ông gửi sang Mỹ 1 vạn cử nhân nhờ họ đào tạo thành những người tài cho đất nước, thì những em nào chịu khó chăm chỉ học tập có thể thành người tài thật. Còn nếu ông đặt hàng hãy đào tạo cho tôi 1 vạn tiến sĩ trong 5 năm thì đến hạn họ sẵn sàng trả cho ta đủ 1 vạn người có bằng tiến sĩ, nhưng tiếc thay bằng thì thật, còn người có bằng chưa chắc đã thật. Tình trạng cũng tương tự như trước đây ta nhờ Liên Xô đào tạo cho kĩ sư và cử nhân: đến hạn các thầy Liên Xô sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí làm hộ luận án để cháu nào về nước cũng có bằng đại học mà không viết nổi một câu tiếng Nga, thậm chí một bài tiếng Việt. Đối với một bệnh mạn tính kéo dài hàng mấy chục năm của ngành giáo dục Việt Nam, thì không thể có một phương thuốc tiên dứt bệnh ngay được, lại không thể liệt kê trải mành mành 11 giải pháp, trên thực tế chỉ là 11 việc trong kế hoạch dài hạn của ngành giáo dục. Suy nghĩ kĩ, tôi thấy khâu quan trọng nhất, khâu đột phá có thể tác động đến toàn ngành giáo dục, không ai khác chính là người thầy. Bởi vì suy cho cùng thì người trực tiếp lên lớp, soạn bài giảng, cải tiến phương pháp sư phạp, cải tiến chương trình, biên soạn sách giáo khoa cũng là người thầy, một mình ông Bộ trưởng Giáo dục dù giỏi đến đâu cũng không làm được. Muốn vậy phải khôi phục truyền thống tôn sư trọng đạo của toàn xã hội đối với người thầy. Cần coi người thầy là một trí thức có nhiệm vụ cao quý, là người tác động đến tâm hồn và trí tuệ của lớp trẻ, tạo điều kiện vật chất và tinh thần để họ không bắt học sinh học thêm, hoặc nhận quà biếu của phụ huynh, mà có thì giờ để đọc sách học thêm trau dồi đạo đức, nghề nghiệp, và không nên xếp họ vào thang cuối cùng của xã hội (công, nông, binh, trí). Ngày nay, sự yếu kém của nền giáo dục quốc dân không chỉ giới hạn ở nhà trường. Nó đã ảnh hưởng đến đạo đức của toàn xã hội với những tiêu cực lớn nhỏ nhan nhản trên báo chí hằng ngày. Một cơ trưởng lái máy bay hẳn đã học xong bậc đại học, lại cùng với mấy lưu học sinh tham gia vào các vụ ăn cắp vặt ở Nhật Bản, thật là một quốc sỉ cho một dân tộc anh hùng! Bởi vì mỗi trẻ em được cha mẹ dạy tốt rồi, đến trường cũng được dạy tốt, vẫn có thể bị ảnh hưởng tai hại của xã hội mà trở nên hư đốn. Vấn đề to lớn và quá khó khăn này, chắc chỉ khi những vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước có quan tâm thì may ra mới giải quyết được” (2/1/2009)

Những lời phát biểu tâm huyết của Thầy chưa được trả lời thì Thầy đã vội vã đi xa vào hồi 11 giờ 40 ngày 21/7/2009 vừa qua. Vẫn biết sinh tử là quy luật của muôn đời nhưng sao Thầy vội đi nhanh quá trước khi thấy các kiến nghị tâm huyết của Thầy được trở thành hiện thực. Tấm gương yêu nước, nhiệt tình cống hiến cho khoa hoc, giáo dục và một nhân cách cao đẹp của Thầy sẽ sống mãi trong các thế hệ học trò của Thầy và những người được biết đến Thầy. Cầu mong hương hồn Thầy yên nghỉ chốn vĩnh hằng


Hai anh em - hai nhà khoa học Việt kiều nổi tiếng

Trong cộng đồng người Việt tại Pháp có hai nhà khoa học nổi tiếng cùng sinh ra trong một gia đình. Đó là ông Nguyễn Quang Riệu, nhà thiên văn học, và ông Nguyễn Quý Đạo, nhà hóa học. Cả hai đều là tiến sĩ, Giám đốc nghiên cứu danh dự của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), đã từng có những công trình khoa học được giới chuyên môn đánh giá cao và có nhiều đóng góp cho cả Pháp và Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Riệu và Nguyễn Quý Đạo

Trong cộng đồng người Việt tại Pháp có hai nhà khoa học nổi tiếng cùng sinh ra trong một gia đình. Đó là ông Nguyễn Quang Riệu, nhà thiên văn học, và ông Nguyễn Quý Đạo, nhà hóa học. Cả hai đều là tiến sĩ, Giám đốc nghiên cứu danh dự của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), đã từng có những công trình khoa học được giới chuyên môn đánh giá cao và có nhiều đóng góp cho cả Pháp và Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Riệu và ông Nguyễn Quý Đạo quê ở Hải Phòng. Hai ông được gia đình gửi sang Pháp du học từ khi còn trẻ. Theo lời ông Nguyễn Quang Riệu, quãng thời gian học đại học là thời kỳ khó khăn nhất đối với hai anh em ông vì lúc đó tại quê nhà đang có chiến tranh, hai ông mất liên lạc với gia đình. Để có tiền giúp hai anh em sinh sống và tiếp tục học tập ông Riệu phải vừa học vừa làm nhiều nghề, trong đó có nghề dạy kèm và trợ giảng. Bằng ý chí quyết tâm và nghị lực của mình, hai anh em ông đã vượt qua giai đoạn khó khăn đó và đã tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, sau đó đoạt bằng tiến sĩ và trở thành các nhà nghiên cứu khoa học nổi tiếng. Ông Nguyễn Quang Riệu làm ở Đài Thiên văn Paris, đã từng công bố hàng trăm công trình khoa học nghiên cứu về các vấn đề của vũ trụ như các tia bức xạ vũ trụ hoặc các nguyên tố hóa học có khả năng dẫn đến sự sống trong dải Ngân Hà. Năm 1972 ông Riệu xác định được vụ nổ trên chòm sao Thiên Nga và đó được coi là một trong những phát hiện quan trọng trong ngành Thiên văn. Viện Hàn lâm khoa học Pháp đánh giá cao các công trình nghiên cứu của ông Nguyễn Quang Riêu. Với đóng góp đó năm 1973 ông được Đài Thiên văn Paris trao giải thưởng. Ông Nguyễn Quý Đạo cũng rất thành công trong nghề nghiệp của mình. Ông là tác giả của hơn 300 tài liệu nghiên cứu khoa học và là chủ nhân của ba bằng sáng chế, được nhiều trường đại học trên thế giới mời thuyết trình.

Có một điều đặc biệt là cả hai anh em ông Nguyễn Quang Riệu và ông Nguyễn Quý Đạo tuy sống nhiều năm ở nước ngoài nhưng vẫn nặng lòng với quê hương, đất nước. Trong các dịp trò chuyện với hai ông, tôi, người viết bài này, đã từng được nghe các ông hào hứng kể về cảm giác vui sướng của mình khi nghe tin Việt Nam chiến thắng ngoại xâm, tái lập hòa bình. Với các ông, hòa bình không chỉ mang lại hạnh phúc cho người dân trong nước mà còn tạo điều kiện để hai anh em ông về quê góp phần cống hiến cho quê hương. Sau ngày đất nước thống nhất, hai ông đều về nước rất sớm. Kể từ đó đến nay hai anh em ông Nguyễn Quang Riệu và Nguyễn Quý Đạo đã về Việt Nam nhiều lần. Ông Nguyễn Quang Riệu thì tham gia các khóa giảng dạy về vật thiên văn tại các trường đại học, nói chuyện về khoa học vũ trụ, làm việc với các cơ quan hữu quan Pháp để xin các xuất học bổng cho sinh viên Việt Nam. Ông còn viết sách về thiên văn bằng tiếng Việt và xuất bản ở trong nước để phổ biến kiến thức về vũ trụ học cho mọi người. Tôi đã từng dự một buổi nói chuyện của ông, thấy ông hào hứng, say sưa nói về vụ nổ bigbang, về vũ trụ thuở sơ khai, về các hành tinh và các thiên hà với các cử tọa mà đa số đều là những người chưa biết gì nhiều về thiên văn học. Điều đó cho thấy ông Riệu say mê công việc của mình như thế nào. Dường như với ông, quan sát các vì sao, nghiên cứu đời sống bí ẩn của chúng là một niềm hạnh phúc và ông muốn chia sẻ niềm hạnh phúc đó cho tất cả mọi người.

Để phổ biến các hiểu biết về khoa học thiên văn và khoa học môi trường tới nhiều người, ông viết một loạt sách khoa học thuộc loại dễ đọc bằng tiếng Việt, trong đó các cuốn như “Phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại”, “Lang thang trên dải Ngân Hà”, “Sông Ngân khi tỏ khi mờ”, “Bầu trời tuổi thơ” và “Con đương đến với những vì sao” để in và xuất bản tại Việt Nam.

Giống như anh mình, ông Nguyễn Quý Đạo cũng luôn quan tâm tới đất nước và tìm cách đóng góp công sức tài năng cho quê hương. Trong những lần về nước ông Đạo đã cùng các nhà khoa học Việt Nam thực hiện nhiều công trình khoa học có giá trị. Ông rất quan tâm đến việc đào tạo các nhân tài cho Việt Nam và đã từng kiến nghị Nhà nước mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở trang thiết bị nghiên cứu hiện đại nhằm tạo điều kiện làm việc cho các nhà khoa học trong nước, đồng thời góp phần thu hút chất xám của kiều bào cũng như chất xám của các nhà khoa học trên thế giới, mở ra các cơ hội hợp tác quốc tế, đưa đến việc thực hiện các công trình nghiên cứu mang tầm vóc quốc tế ngay tại Việt Nam. Ông Đạo đã được trao danh hiệu “Vinh danh nước Việt 2005”, do có nhiều đóng góp cho đất nước.

http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?masterId=90&categoryId=218&id=19504

Nguyễn Lân Dũng

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ GIÁO NHÂN DÂN NGUYỄN LÂN

Cha tôi - NGND Nguyễn Lân-sinh ra từ một làng quê nghèo. Trong cuốn Hồi ký (xuất bản năm 1998) cha tôi kể rằng: “Nhà rất nghèo lại không có ruộng đất gì trong một miền bạc điền, thường xuyên bị hạn hán, bố mẹ mất sớm, bốn anh em nheo nhóc, bố tôi đành phải bỏ làng ra đi tha phương cầu thực”...

Cha tôi may mắn được một người anh họ, vì nhận thấy tư chất cậu bé Lân thông minh và hiếu học, nên dù chỉ là thư ký ở Sở Xi măng, nhưng ông đã cố gắng đỡ đầu và đưa ra Hải Phòng nuôi cho ăn học. Đó là cơ hội quí giá giúp cha tôi vươn lên trong con đường học vấn. Về sau khi thi vào trường Bưởi, nhờ học giỏi, cha tôi đã nhận được học bổng toàn phần. Năm 1925 khi mới 19 tuổi và đang còn là học sinh trung học, cha chúng tôi đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên Cậu bé nhà quê. Đó là một phần tự truyện về thời thơ ấu của cha tôi. Nhà văn Nguyễn Khải đánh giá: Cha tôi là một trong những người đầu tiên viết tiểu thuyết ở Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết này về sau được dịch sang tiếng Pháp và đến năm 1934 được xác định dùng làm sách giáo khoa cho học sinh. Cha tôi tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương năm 1932. Từ đó cha tôi gắn bó suốt đời với sự nghiệp trồng người và sự nghiệp nghiên cứu khoa học.

“Cậu bé nhà quê” thời đó về sau đã trở thành một nhà giáo nổi tiếng có công đào tạo rất nhiều thế hệ học sinh, trở thành một nhà quản lý giáo dục trong nhiều năm, trở thành một nhà nghiên cứu với 42 cuốn sách đã xuất bản, trong đó có nhiều cuốn Từ điển (viết riêng hoặc viết chung) mà xã hội có nhu cầu tái bản nhiều lần, trở thành một nhà hoạt động xã hội góp phần quan trọng trong sự nghiệp vận động trí thức trong khối đại đoàn kết toàn dân.

Chúng tôi còn nhớ rõ trong thời gian kháng chiến chống Pháp cha tôi làm nhiệm vụ quản lý giáo dục ở Liên khu X và sau đó là ở Liên khu Việt Bắc. Với số lương tính bằng thóc hết sức ít ỏi cha tôi chi có thể trích một phần rất nhỏ để tự mình rong ruổi bằng xe đạp đến khắp các tỉnh trên Việt Bắc nhằm chỉ đạo việc phát triển giáo dục trung tiểu học. Cha tôi còn tự viết sách giáo khoa Ngữ pháp Việt Nam cho các cấp học, tự biên soạn Từ điển Muốn đúng chính tả để dùng cho thày trò các trường, tự soạn lấy đề thi trên cơ sở các đề do các trường gửi về rồi tự tay đánh máy và niêm phong các đề thi này... Có thể nói trong khói lửa chiến tranh và vượt qua muôn ngàn khó khăn cha tôi đã dốc hết tâm lực xây dựng ngành giáo dục phổ thông trong địa bàn rộng lớn được giao phó và đã đạt kết quả rất tốt. Niềm vinh dự to lớn mà cha tôi được tiếp nhận đó là thư khen của Bác Hồ với lời khen về Một Giám đốc có tài cùng với một bộ quần áo lụa màu nâu gụ bên trong có thêu dòng chữ Chúng cháu kính dâng Bác Hồ. Những phần thưởng cao quý này cha tôi đã trao tặng lại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trước khi nghỉ hưu.

Cho đến gần cuối đời cha tôi luôn rất khoẻ mạnh nhờ nghiêm túc và điều độ trong sinh hoạt, không hề uống rượu, hút thuốc, tự nghĩ cho mình một bài tập thể dục và không sáng nào không thực hiện bài tập ấy, sau đó tắm nước lạnh, kể cả những tháng lạnh giá nhất của mùa đông.

Cách đây 13 năm, trước nỗi đau mất mẹ tôi và chị Tề Chỉnh , chúng tôi tưởng chừng cha không thể gượng dậy được.

May mắn thay, cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam, một công trình mà cha tôi đã nung nấu từ lâu đã giữ được cụ ở lại với đàn con. Tình yêu và nghị lực đã giúp cụ hoàn thành cuốn Từ điển dày dặn này. Sau nhiều năm một mình âm thầm chuẩn bị, cha tôi bắt đầu đặt bút viết vào tuổi 90 để 5 năm sau, ở tuổi 95, cụ đã hoàn thành bộ Từ điển đồ sộ với 2.200 trang in, gần đây lại đã được tái bản với số lượng lớn, không chỉ chúng tôi mà nhiều người cũng nhận thấy luôn luôn cần phải cuốn từ điển ấy bên mình. Năm ấy chúng tôi xin phép được làm Lễ mừng thọ cha 95 tuổi nhưng cụ hẹn rằng hãy đợi đến khi tròn 100 tuổi. Chúng tôi vẫn tin rằng cụ dư sức vượt qua ngưỡng tuổi 100. Bởi vì cho đến cách khi mất trên một năm cụ vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh. Hơn nửa thế kỷ liền cụ đã tạo riêng cho mình và thực hiện đều đặn một bài tập kéo dài 2 giờ mỗi buổi sáng để tự rèn luyện thể lực và trí lực. Không có sự rèn luyện khoa học và kiên trì như vậy thì làm sao một “cậu bé nhà quê”, là con của một bà mẹ nghèo, vốn sinh ra rất yếu ớt lại có thể sống khoẻ mạnh, không có bệnh tật gì cho đến gần 100 tuổi. Cụ vẫn thường vui vẻ nói: “Tôi có hai điều hạnh phúc lớn. Một là, các con đều ngoan và có ích cho xã hội; Hai là, cho đến nay tôi vẫn không có bệnh tật gì”.

Nhưng bệnh ung thư tai ác nào có từ ai! Cụ đã phải vĩnh viễn xa lìa gia đình, các bạn bè và biết bao học trò yêu quý. Mặc dầu đã được tập thể các GS, BS, và nhân viên y tế của hai Bệnh viện Việt - Đức và Bạch Mai hết lòng chăm sóc, cứu chữa nhưng sự nghiệt ngã của căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi sinh mệnh của cha chúng tôi.

Vào lúc 13 giờ 43 phút ngày 7 tháng 8 năm 2003 (tức ngày 10 tháng Bảy năm Quý Mùi) cha chúng tôi đã ra đi thanh thản và nhẹ nhàng, nhưng để lại một khoảng trống quá lớn trong lòng mỗi chúng tôi, một khoảng trống không gì có thể bù đắp nổi.

Sau hôm cha tôi từ trần chúng tôi đã nhận được sự quan tâm thăm hỏi và động viên quý báu của các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan, đoàn thể, của biết bao học trò cũ của cụ, của họ hàng, các thông gia và của cả rất đông đảo bạn bè. Sự có mặt của hàng nghìn người đến đưa tiễn cha tôi hôm tang lễ không chỉ là sự chia sẻ với chúng tôi nỗi đau to lớn này mà còn chứng tỏ mọi người vô cùng tiếc thương một con người đức độ, trung thực, đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp Trồng người và có những công hiến đáng kể cho khoa học, văn học và hoạt động xã hội.

Cha tôi sẽ mãi mãi yên nghỉ ngay cạnh mẹ của chúng tôi, người mà cha tôi suốt đời hết mực thủy chung, suốt đời yêu thương, suốt đời chia sẻ ngọt bùi, người đã chung sức cùng cha tôi động viên, giáo dục cả một đàn con cháu đông đúc.

Căn buồng nhỏ của cụ ở Khu tập thể Kim Liên với một chiếc giường đơn, một tủ sách, một bàn viết nhỏ mà trên đó cụ đã từng viết 18 tác phẩm và những bộ Từ điển đồ sộ từ hai năm nay đã vắng bóng cha tôi .

Nhưng cha tôi vẫn còn sống mãi trong tâm trí chúng tôi và biết bao thế hệ học trò, đồng nghiệp cùng đông đảo độc giả. Chúng tôi vô cùng tự hào về cái gia tài tinh thần mà cụ đã để lại cho muôn đời con cháu.

Đó là tấm gương về lòng tin, tin ở chính mình, tin ở sự nghiệp vẻ vang của dân tộc, tin ở lẽ phải, ở chính nghĩa, tin ở tất cả những người lương thiện sống quanh ta.

Đó là tấm gương về lòng hiếu học và ý chí phấn đấu học tập suốt đời để không ngừng làm giàu kiến thức cho mình và dùng kiến thức ấy để cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Đó là tấm lòng nhân ái, yêu đời, yêu người, vị tha, khoan dung dành cho những người sống quanh mình. Cha tôi luôn xót thương cho những số phận bất hạnh, luôn luôn cảm thông cho những lỗi lầm do ít kinh nghiệm hoặc thiếu kiến thức. Nhưng cụ lại là người hết sức bất bình với những hành vi tham lam, vị kỷ, dối trá, lừa lọc, vô đạo đức. Cụ căm ghét sự lợi dụng chức quyền, làm giàu bất chính, bắt nạt dân lành, dối trên lừa dưới.

Đó là tấm gương về nếp sống giản dị, tiết kiệm, không màng công danh, phú quý, không chuộng hình thức, luôn khiêm nhường và quý trọng sức lao động của người khác.

Tất cả vốn tài sản quý giá này của cha tôi sẽ là truyền thống tốt đẹp của gia đình . Các thế hệ chúng tôi sẽ xin ghi lòng tạc dạ và nhắc nhở nhau luôn luôn soi vào tấm gương của cha để học tập, rèn luyện, phấn đấu và hết lòng phục vụ nhân dân trên mỗi cương vị công tác của mình.

Hình ảnh trích từ quyển VINH QUANG NGHỀ THẦY , nhà xuất bản Giáo Dục nhân kỷ niệm về giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân 1906-2003, do Gs Nguyễn Lân Dũng tuyển chọn

Vietsciences

Hình nhân ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh của giáo sư Nguyễn Lân